Nội dung và kết cấu Kinh_Xuân_Thu

Buổi đầu lịch sử Trung Quốc, "Xuân Thu" là một từ hoán dụ thường được dùng để chỉ tổng thể khoảng thời gian trong năm, và nó cũng thường được dùng làm tiêu đề cho những cuốn biên niên sử của nhiều nước chư hầu Trung Quốc giai đoạn đó. Ví dụ, thiên Minh Quỷ trong sách Mặc Tử đã đề cập tới nhiều cuốn Biên niên sử Xuân Thu của nhà Chu, nước Yên, nước Tốngnước Tề. Tất cả các văn bản đó hiện đều không còn; chỉ cuốn biên niên sử nước Lỗ còn tồn tại.

Phạm vi sự kiện được ghi chép trong kinh Xuân Thu khá hạn chế. Nó tập trung vào các quan hệ ngoại giao giữa các nước chư hầu phong kiến, các liên minh và các hành động quân sự, cũng như những sự kiện sinh tử bên trong gia đình hoàng gia. Kinh Xuân Thu cũng ghi chép về các sự kiện thảm hoạ thiên nhiên như lũ lụt, động đất, nạn châu chấu và nhật thực, bởi vì những sự kiện đó được xem là phản ánh sự ảnh hưởng của trời đối với thế giới loài người.

Các sự kiện được miêu tả theo trật tự thời gian, đầu tiên là niên hiệu của vua nước Lỗ, mùa, tháng và ngày theo năm can chi. Kết cấu biên niên được tuân thủ chặt chẽ, tới mức liệt kê bốn mùa trong mỗi năm thậm chí khi không có sự kiện nào xảy ra ở thời điểm đó.

Văn phong ngắn gọn và khách quan, và không giúp ích gì cho việc xác định tác giả chính xác của nó.